Hở van tim, dấu hiệu không nên chủ quan

Tác giả: Lê Thị Ngọc Đăng ngày: 17/12/2021 Lần cập nhập cuối: 18/12/2021

Ngày nay, bệnh hở van tim là bệnh lý phổ biến, rất thường gặp trong các bệnh về tim mạch, có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của tim cũng như sức khỏe của mỗi người. Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Mức độ nguy hiểm của bệnh này tùy thuộc vào độ hở của van tim. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, các biến chứng của bệnh sẽ phát triển nhanh chóng và có thể dẫn tới tử vong. Do đó, cho dù hở van ở mức độ nhẹ cũng cần tầm kiểm soát và điều trị sớm. Vậy bệnh hở van tim là gì? Các dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị bệnh này như thế nào?

Hở van tim là bệnh nguy hiểm có thể gây ra biến chứng thậm chí là tử vong

1. Bệnh hở van tim là gì?

Hệ thống van tim là hệt hống các cấu trúc đảm bảo cho máu được lưu thông giữa các buồng tim theo chu trình nhất định. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân tác động đã làm tổn thương gây nên bệnh van tim. Hở van tim (hay còn gọi là suy van) là bệnh lý ở tim, xảy ra khi các van tim đóng lại không kín (do giãn vòng van, thoái hóa, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài…) dẫn đến dòng máu trào ngược lại mỗi khi co bóp. Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lại lượng máu bị thiếu hụt do sự trào ngược đó. Tim phải làm việc nhiều hơn, quá sức dẫn đến nhiều bệnh tim nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp tim,…

Bệnh hở van tim được chia thành các loại sau:

  • Hở van 2 lá: máu trào ngược lại buồng nhĩ trái
  • Hở van tim 3 lá: máu trào ngược buồng nhĩ phải
  • Hở van động mạch chủ: máu trào ngược lại tâm thất trái
  • Hở van động mạch phổi: máu trào ngược tâm thất phải

Nguyên nhân gây bệnh:

Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến van tim bị hở như: do bẩm sinh, bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, bệnh thấp tim, tuổi cao, sa van hai lá…

2. Dấu hiệu hở van tim

Ở giao đoạn đầu, bệnh vẫn ở mức độ nhẹ, các triệu chứng thường chưa rõ ràng nên rất khó phát hiện bệnh. Khi các dấu hiệu hở rõ ràng thì bệnh đã tiến triển nặng, cần thăm khám sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu điển hình “tố cáo” bạn đang bị bệnh hở van và cần điều trị ngay lập tức:

  • Khó thở

Đây là biểu hiện đầu tiên khi bạn mắc phải căn bệnh này. Bạn sẽ có cảm giác khó thở, triệu chứng này tăng rõ rệt khi nằm xuống hoặc hoạt động mạnh.

  • Mệt mỏi

Cũng giống như các bệnh lý về tim khác, bạn sẽ thấy mệt mỏi kéo dài ngay cả khi không hoạt động.

  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực liên hồi, đau tức ngực.
  • Ho khan, nhiều nhất là vào tối muộn và ban đêm
  • Chóng mặt, hoa mắt.
  • Phù mắt cá chân, bàn chân.

3. Hở van tim dễ chữa hay khó?

Hở van tim là một trong những bệnh nguy hiểm, gây nhiều ảnh hưởng sức khỏe, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nguy hại đến tính mạng của người bị bệnh.

Về cách chữa bệnh thì tùy vào từng giai đoạn phát hiện bệnh sớm hay muộn mà các phương pháp điều trị sẽ khác nhau.

4. Hở van tim là bệnh cấp tính hay mãn tính?

Hở van tim có thể là bệnh cấp hoặc mãn tính.

Nguyên nhân của hở van cấp tính là:

  • Rối loạn chức năng cơ nhú hoặc đứt cơ nhú
  • Thấp tim cấp
  • Đứt dây chằng
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây ra đứt dây chằng
  • Những thay đổi, biến cố cơ học của van hai lá nhân tạo

Nguyên nhân của hở van mãn tính bao gồm:

  • Bệnh lý nội tại của van tim (hở van hai lá tiên phát)
  • Giãn và suy thất trái gây hở van tim 2 lá thứ phát

Hở van tim có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính

5. Hở van tim có di truyền không?

Nhìn chung, hở van tim là bệnh không di truyền. Các nguyên nhân chính của bệnh thường là do thấp tim, thoái hóa… Những nguyên nhân này là do yếu tố môi trường hoặc do tuổi tác. Tuy nhiên, cũng có một phần số lượng ít các bệnh lý tim mạch bẩm sinh mà hở van tim là một trong những biểu hiện của bệnh đó.

6. Hở van tim có nguy hiểm không?

Câu trả lời là phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại van hở, mức độ hở, kích thước buồng tim, các bệnh lý mắc kèm như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành… Trong thời gian đầu hoặc khi hở nhẹ thì bệnh có ít triệu chứng. Nhưng theo thời gian, chức năng của tim giảm dần dẫn đến suy tim mạn.

Đối với những bệnh nhân hở van sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…

Đối với những trường hợp hở van cấp tính, bệnh nhân có thể có những triệu chứng rất nghiêm trọng như tụt huyết áp, trụy tim mạch thậm chí là tử vong.

7. Hậu quả của hở van tim

7.1 Hở van tim có phải bệnh nền?

Những bệnh nhân bị hở van tim được coi là người có bệnh nền về tim mạch. Cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh gây biến chứng cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh.

7.2 Hở van tim có phải phẫu thuật?

Nếu bệnh ở giao đoạn nhẹ thì không cần phẫu thuật, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để sống hòa bình với bệnh. Vì bệnh lý này là một tổn thương về cấu trúc của tim, nên việc điều trị bằng thuốc chỉ làm cải thiện triệu chứng, còn muốn chữ trị tận gốc, ngăn chặn diễn biến của bệnh thì phải phẫu thuật sửa van hoặc thay van nhân tạo.

8. Điều trị hở van tim

Hầu hết các vấn đề về bệnh van tim đều có thể điều trị bằng thuốc, can thiệp sửa chữa hay phẫu thuật thay thế van tim. Tùy vào nguyên nhân gây hở van, các triệu chứng của người bệnh (mệt mỏi, khó thở, tức ngực) và mức độ ảnh hưởng của van tim đến chức năng co bóp mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau, phù hợp với từng người bệnh, cụ thể:

  • Mức độ nhẹ: Người bệnh chỉ cần điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Ở mức độ này, người bệnh nên có lối sống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục; thường xuyên kiểm tra huyết áp, sức khỏe định kỳ. Chế độ ăn uống hàng ngày cần giảm lượng muối, bổ sung nước điện giải, nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; tránh những sản phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, những chất kích thích…

  • Mức độ vừa: Người bệnh điều trị bằng thuốc kết hợp với các chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh như đã nêu trên.

Thuốc điều trị không làm cho van tim hết hở nhưng có thể giúp kiểm soát hoặc giảm các triệu chứng của bệnh, giảm gánh nặng cho tim và làm chậm tiến triển của bệnh. Một số thuốc hỗ trợ thường được sử dụng là thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông, thuốc giãn mạch…

  • Mức độ nặng: bắt buộc phải phẫu thuật để ngăn chặn sự tiến triển và biến chứng của bệnh.

Có các phương pháp phẫu thuật như:

  • Phẫu thuật sửa van tim: Với các van bị hở, bác sĩ sẽ dựa vào cơ chế gây hở để có cách can thiệp khác nhau giúp các lá van khép kín với nhau.
  • Phẫu thuật thay van tim: Được thực hiện dựa theo mức độ tổn thương của van. Khi tổn thương van tim quá nặng thì cần phải cắt bỏ van tim và thay thế bằng van tim nhân tạo (van cơ học hoặc van sinh học). Thay van tim qua da (không mổ) là một kỹ thuật hiện đại tuy nhiên chi phí của phương pháp này còn khá cao.

Một số lời khuyên dành cho người có bệnh van tim: Khi mắc bệnh hoặc đã được chữa trị bằng cách sửa van tim hay thay thế van, điều quan trọng nhất là bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề về tim sau này. Người bệnh cần biết tình trạng và mức độ hiện tại của van tim; báo với bác sĩ điều trị về bệnh tình của mình trong mỗi lần tái khám, chữa bệnh. Khi có các triệu chứng nhiễm trùng như sốt, viêm họng, đau nhức mình mẩy cần điều trị nhiễm trùng; vệ sinh răng miệng thường xuyên, loại bỏ cao răng, chăm sóc kĩ càng răng, nướu; dùng thuốc kháng sinh trước khi làm các thủ thuật dễ gây chảy máu. Người bệnh cần khám bệnh định kì theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời kiểm tra huyết áp thường xuyên, điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì bệnh huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh cần ăn nhạt, giảm bớt lượng muối trong bữa ăn, ăn ít đồ ăn chứa nhiều chất béo, kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành; không được uống cà phê, rượu, các chất kích thích vì khi sử dụng có thể làm tăng thêm rối loạn nhịp tim (nếu có); bổ sung các chất dinh dưỡng, tránh để tình trạng thừa cân vì quá cân là gánh nặng cho tim khi co bóp; rèn luyện sức khỏe, tập thể dục mỗi ngày, sinh hoạt điều độ và tránh hoạt động gắng sức.

Bài viết mới