Bệnh sốt rét là gì ? Cách phòng tránh bệnh này hiệu quả bạn nên biết
Bệnh sốt rét là một trong những bệnh lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay và là vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe của cộng đồng. Vậy bệnh sốt rét là như nào, phân biệt với những bệnh sốt khác và cách phòng tránh ra sao? Cùng xem ngay những thông tin của bài viết sau để nắm rõ hơn về căn bệnh này nhé.
1. Sốt rét là gì?
Sốt rét là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng của người bệnh, gây ra bởi sự nhiễm ký sinh trùng Plasmodium và được lây truyền sang con người khi bị muỗi cái Anophen nhiễm ký sinh trùng đốt.
Bệnh thường có các triệu chứng thường gặp như sốt, đau nhức đầu, buồn nôn, nôn. Những biểu hiện này thường xuất hiện trong khoảng từ 10-15 ngày kể từ thời điểm bị muỗi đốt. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh sốt rét có thể lây lan nhanh và đe dọa đến tisng mạng người bệnh bởi sự gián đoạn cấp máu tới các cơ quan quan trọng trên cơ thể.
2. Sự khác nhau giữa bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là gì?
Sốt rét và sốt xuất huyết đều là bệnh truyền nhiễm và dễ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tính mạng của người mắc bệnh. Cả hai bệnh này hiện nay đều chưa có vắc xin phòng ngừa. Hai bệnh này dễ lây lan nên thường xuất hiện các ổ dịch, các vùng dịch lớn khiến cho công tác điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh rất khó khăn, gây ra những thiệt hại lớn về cả kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, chúng cũng có những sự khác biệt rõ rệt. Vậy sự khác nhau giữa sốt xuất huyết và sốt rét là gì?
Trước hết cùng tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là gì?
2.1 Khái niệm
– Sốt xuất huyết là một căn bệnh được lây truyền thông qua con đường muỗi đốt, loài muỗi có khả năng lây truyền bệnh này là muỗi vằn (tên tiếng Anh là Aedes aegypti). Chúng gây ra những ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu và tiểu cầu ở trong máu. Căn bệnh này do loại virus Dengue gây nên với các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 4 đến 13 ngày kể từ ngày bị muỗi chích. Loài muỗi truyền bệnh này ưa thích đốt người trong môi trường ánh sáng ban ngày.
– Sốt rét cũng là một căn bệnh lây truyền thông qua đường muỗi đốt. Tuy nhiên, loài muỗi gây ra bệnh này là muỗi Anophen cái. Bệnh được gây ra bởi loài ký sinh trùng sốt rét Plasmodium và các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện sau 8 đến 24 ngày từ khi bị muỗi đốt. Loài muỗi này ưa thích chích người trong thời hạn trời chập tối hay lúc mới bình minh.
2.2 Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là gì?
– Sốt xuất huyết
Bệnh được lây truyền qua vết muỗi Aedes aegypti đốt và sẽ lây lan nếu muỗi cắn từ người nhiễm bệnh rồi hút máu người bình thường không nhiễm bệnh. Muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động hút máu vào ban ngày.
– Sốt rét
Sốt rét khác với sốt xuất huyết là vết cắn của loài muỗi Anophen cái. Bệnh lây truyền qua loài muỗi Anophen và chúng thường tấn công hút máu vào ban đêm.
2.3 Các triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét là gì?
– Sốt xuất huyết
+ Người bệnh bị virus tấn công đột ngột và cảm thấy đau đầu kéo dài trong một thời gian, xuất hiện với các triệu chứng đau nhức xương.
+ Thường khởi phát bệnh bằng những cơn sốt kéo dài liên tục khoảng 3-4 ngày. Nhiệt độ của người bệnh có thể tăng lên 39.5-41.5 độ C kèm theo các triệu chứng như đau đầu, nhức xương khớp…
+ Sau khi được hạ sốt, bệnh nhân có thể có tình trạng xuất huyết dưới da, cháy máu chân răng, lợi, chảy máu cam…
+ Người bệnh cũng còn có một số triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, không muốn ăn, hốc mắt bị đau…
– Sốt rét
+ Thời gian người bệnh bị sốt có thể ngắn hơn những cũng có các triệu chứng như đau xương khớp, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, thiếu máu, người xanh xao…
+ Sau đó bệnh thường trở lại cùng các biểu hiện như người ớn lạnh, hấp nóng, vã mồ hôi…
+ Sốt rét thông thường có thể xuất hiện từng đợt và kéo dài từ 6 đến 10 giờ. Cơn rét run của người bệnh có thể kéo dài từ 15 phút đến 1 tiếng. Sau thời gian đó, nhiệt độ tăng cáo lên 39-40 độ C, kéo dài từ 30 phút đến vài giờ đồng hồ; sau đó là nhiệt độ cơ thể giảm, người đổ mồ hôi.
+ Sốt rét nặng, biến chứng: tình trạng này có nguy cơ tử vong cao. Một số người bệnh sẽ có vài triệu chứng không cụ thể như đau đầu, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn, người đau nhức toàn thân… Nếu bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, ảnh hưởng đến nội tạng và máu hoặc các chức năng trao đổi chất thì các biểu hiện của bệnh sẽ dữ dội hơn: hành vi thay đổi bất thường, mất nhận thức, li bì, thiếu máu, các cơn co giật xuất hiện nhiều hơn, khó thở hơn, hạ huyết áp, suy gan, suy thận…
3. Cách phòng tránh bệnh sốt rét là gì?
Để phòng chống bị nhiễm bệnh sốt rét, cần tránh các nguy cơ gây ra bệnh, đặc biệt là tránh để bị muỗi đốt bằng các cách sau đây:
– Loại bỏ những nơi sinh sản và phát triển của muỗi, tiêu diệu bọ gậy, loăng quăng quanh nơi ở, khu dân cư sinh sống; đậy kín các vật dụng chứa nước, loại bỏ những ao chum không cần thiết, không sử dụng đến tránh để muỗi có nơi đẻ trứng và sinh sản.
– Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường sống; thu gom, tiêu hủy những vật dụng phế thải trong nhà…
– Phòng chống muỗi đốt qua cách mặc quần áo dài tay, mắc màn khi ngủ cả ban ngày lẫn đêm.
– Tích cực tham gia tuyên truyền, cùng địa phương, chính quyền phối hợp trong các đợt phun thuốc, hóa chất diệt muỗi.
– Khi bị bệnh hay có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan cho mọi người xung quanh; bổ sung nhiều nước cho cơ thể vì tình trạng sốt, nôn mửa dễ gây mất nước. Có thể bổ sung bằng nước lọc hoặc các loại nước điện giải Oresol, các loại nước ép trái cây để tăng sức đề kháng, bù nước và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.