Hắc lào lang ben và cách phòng tránh hắc lào lang ben hiệu quả đến bất ngờ
Hắc lào lang ben là hai căn bệnh có những triệu chứng tương tự nhau nên nhiều người thường nhầm lẫn. Và đó cũng là lý do gây ra những khó khăn trong việc chẩn đoán cũng như đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn, phù hợp. Vậy hai căn bệnh này khác nhau như nào? Cách phòng tránh bệnh hắc lào lang ben ra sao? Cùng tham khảo nội dung dưới đây.
1. Bệnh lang ben là gì?
1.1 Khái niệm
Lang ben là căn bệnh nấm nông (Pityrosporum ovale), thường gặp ở trên da. Với những biểu hiện lâm sàng của bệnh là rát, tăng sắc tố, giảm sắc tố, rát hồng ở thân mình, bệnh chủ yếu gặp ở nửa thân người trên. Bệnh này có xu hướng dễ lây lan sang người khác thông qua những hoạt động hàng ngày như sử dụng chung đồ sinh hoạt cá nhân (quần áo, khăn tắm) với môi trường và khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm. Tuy bệnh không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến thẩm mỹ của người bệnh do các mảng da bệnh không đều màu, mất sắc tố. Lang ben có thể tự chữa được bằng các loại thuốc kháng nấm bôi ngoài da nhưng cũng có khả năng cao tái nhiễm bệnh bởi đồ dùng chung, quần áo của người bệnh khác.
1.2 Nguyên nhân gây ra bệnh
Loại nấm tên Pityrosporum ovale có khả năng phát triển trên bề mặt của da, tác động vào các lớp biểu bì khiến sắc tố da bị thay đổi. Do đó tạo nên những vùng da giảm hay mất sắc tố (hiện tượng da trắng hơn hẳn những vùng da bình thường).
Có thể kể đến một số nguyên nhân của bệnh như:
– Do khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm
– Người đổ nhiều mồ hôi
– Da tăng khả năng tiết dầu
– Do bị suy giảm hệ miễn dịch khi mắc bệnh như cúm, sởi, HIV…
– Do bị thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở giai đoạn mang thai, tuổi dậy thì…
– Do vệ sinh cá nhân kém, môi trường không sạch sẽ.
1.3 Triệu chứng
Bệnh lang ben có một số biểu hiện như:
– Xuất hiện các vết rát trên da, nhiều dần và kích thước to dần
– Vùng da đó có màu khác với vị trí của da bình thường (sáng hơn hoặc tối hơn), có thể là màu hồng, nâu hoặc trắng
– Vị trí bị bệnh có thể ở bất cứ vị trí trên cơ thể, nhưng thường gặp ở lưng, cổ, cánh tay.
– Có thể bị ngứa, đặc biệt khi gặp ánh nắng hoặc lúc toát mồ hôi.
2. Phân biệt hắc lào lang ben
Bệnh hắc lào lang ben đều là những bệnh lý về da do nhiễm nấm gây ra. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn khác nhau về triệu chứng cũng như thuốc điều trị.
– Về nguyên nhân gây bệnh:
+ Bệnh lang ben do nấm Pityrosporum ovale gây nên
+ Bệnh hắc lào do nấm Epidermophyton và Microsporum gây nên
– Về triệu chứng:
+ Lang ben có những triệu chứng như màu sắc vùng da dát khác nhau (trắng, nâu, hồng); bề mặt vùng da nhiễm nấm có vảy mịn như vảy phấn; thường xuất hiện ở các vị trí cổ, lưng, ngực, cánh tay; có cảm giác ngứa đặc biệt là khi ra ngoài nắng hoặc khi đổ mồ hôi.
+ Hắc lào thì xuất hiện những đốm trên da màu đỏ, xung quanh xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti; vết thương thường có hình đồng xu (tên gọi khác là lác đồng tiền); xuất hiện ở các vị trí như nách, bẹn, mông; ngứa, cơn ngứa tăng lên khi người đổ mồ hôi.
3. Cách phòng tránh bệnh hắc lào lang ben
3.1 Điều trị
Tuy hai bệnh này có những triệu chứng, dấu hiệu khác nhau nhưng cách điều trị cũng tương đối giống nhau. Người bị bệnh cần:
– Sử dụng đúng loại thuốc bôi ngoài da và các kem chống nấm do bác sĩ điều trị chỉ định. Thuốc cần được bôi hàng ngày, xung quanh các vết thương liên tục trong khoảng thời gian quy định (thường ít nhất là 1-2 tuần). Tuy nhiên đối với bệnh lang ben thì tình trạng da không đều màu sẽ có thể kéo dài vài tuần thậm chí vài tháng mới có thể bình thường lại được.
– Nếu bệnh xuất hiện và ảnh hưởng ở nhiều vùng da khác nhau với diện tích lớn thì có thể dùng thuốc chống nấm dạng viên uống. Tuy nhiên cần thực hiện theo đúng chỉ định của các bác sĩ điều trị.
Đối với trẻ nhỏ – là những đối tượng có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng thì nên được sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên tùy tiện bôi những loại thuốc giống của người lớn.
Phần lớn những thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh hắc lào lang ben đều có thể gây ra những tác dụng phụ khi sử dụng. Do vậy, người bệnh cần dùng thuốc đúng loại và liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không được tùy tiện thay đổi liều lượng hay dừng thuốc đột ngột.
3.2 Biện pháp phòng tránh bệnh
– Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh môi trường xung quanh
– Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân, quần áo
– Lựa chọn những loại quần áo thoải mái, chất liệu cotton, thoáng mát; tránh những bộ đồ bó sát, chất liệu dày dặn vì chúng gây bí tắc da, cọ xát làm tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
– Điều chỉnh chế độ ăn uống một cách khoa học, lành mạnh
– Bổ sung vitamin (như vitamin A, vitamin E, vitamin C), các chất dinh dưỡng đầy đủ; ăn nhiều trái cây, rau xanh; bổ sung khoáng chất bằng nước ép trái cây, uống nước điện giải…
– Tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn để tăng sức đề kháng cho cơ thể; vệ sinh sạch sẽ sau khi tập luyện.
– Vệ sinh chỗ ở và môi trường, không khí xung quanh thường xuyên; hạn chế những nơi đồng người, nhiều khói bụi ô nhiễm.
– Thăm khám và vệ sinh vật nuôi, thú cưng thường xuyên (nếu có).
– Khi có những dấu hiệu khác lạ xuất hiện trên da, cần đến thăm khác và điều trị ngay tránh để lại những hậu quả không đáng có trên da.