Bạn biết gì về bệnh nấm candida? Đối tượng nào dễ bị nhiễm nấm candida
Bệnh nấm Candida là một căn bệnh khá phổ biến ở trên người. Tùy theo những vị trí nhiễm nấm Candida mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau. Vậy nguyên nhân nào gây ra căn bệnh này? Con đường lây truyền của nấm Candida là gì? Và ai là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh? Cùng tìm hiểu ngay!
1. Bệnh nấm Candida là gì?
1.1 Khái niệm
Candida là một loại vi nấm gây bệnh phổ biến với các vị trí thường xuất hiện nhiều trên da như vùng da, niêm mạc miệng, âm đạo phụ nữ. Khi bị bệnh nấm Candida (thường là loại Candida albicans) gây nhiễm trùng thì được gọi là bệnh nấm Candida. Những vùng ẩm ướt hoặc cơ thể ấm là nơi bệnh thường xuất hiện.
Nhiễm nấm Candida ở trong âm đạo thì được gọi là viêm âm đạo do nấm, đối với trong miệng thường gọi là bệnh tưa miệng. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh sẽ khác nhau phụ thuộc vào vùng bị nhiễm trùng.
Đặc biệt, trên một số cơ địa như hệ miễn dịch yếu, suy giảm hay đái tháo đường, vi nấm có thể xâm nhập vào trong máu gây ra hiện tượng nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm ở nội tạng,…
Bệnh này không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh, tuy nhiên gây cảm giác khó chịu. Cũng có một số dạng bệnh nhiễm nấm khác có thể mang tính nghiêm trọng và cần điều trị kịp thời. Những trường hợp này là tình trạng nhiễm khuẩn khuyết do nấm Candida đã xâm nhập vào máu.
1.2 Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường khác nhau do phụ thuộc vào vị trí nhiễm nấm và mức độ nghiêm trọng của sự nhiễm trùng. Một số triệu chứng thường gặp ở các khu vực bị nhiễm nấm như sau:
– Ở trên da (hay còn gọi là bệnh nấm da): người bệnh sẽ xuất hiện những đốm màu trắng hay màu đỏ, những vị trí này thường ngứa rát , thậm chí có thể bị sưng lên (tình trạng viêm)
– Ở bộ phận sinh dục:
Đối với nữ giới, bệnh viêm âm đạo do nấm Candida gây ra những triệu chứng như cực kỳ ngứa, đau rát, tấy đỏ ở vùng âm đạo. Dịch âm đạo thường có màu trắng và bị vón cục.
Đối với nam giới, sẽ có các triệu chứng như ngứa, đau hay có cảm giác châm chích ở dương vật, có thể đau khi quan hệ tình dục.
– Ở vùng miệng, thực quản: được gọi là bệnh tưa miệng, gây ra những đốm trắng trên miệng và lưỡi. Trên nướu răng cũng có thể xuất hiện tình trạng sưng, lở loét, nổi những mảng đỏ và trắng. Bệnh Candida ở thực quản có thể khiến người bệnh đau đớn, khó nuốt.
– Máu và các cơ quan khác trên cơ thể: Khi nấm xâm nhập vào máu, người bệnh có thể có triệu chứng ớn lạnh, sốt.
Người bệnh nên đi gặp bác sĩ nếu có xuất hiện những tình trạng như sau:
– Các triệu chứng dần nặng hơn và không thể tự khỏi trong khoảng một tuần
– Xuất hiện các vết thương tổn màu trắng ở trên lưỡi, má trong, đôi khi xuất hiện trên vòm miệng, nướu răng, amidan.
– Có những vết loét trong miệng bị viêm đỏ khiến người bệnh có cảm giác đau, khó ăn, khó nuốt.
– Chảy máu nhẹ khi vô tình chạm hay cạo vào vết thương trên da.
– Ở góc miệng có những vết sưng đỏ, nứt, đặc biệt đối với người đeo răng giả.
2. Nguyên nhân gây bệnh nấm
2.1 Nguyên nhân
Giống như tên gọi của bệnh, bệnh nấm Candida do loài nấm Candida gây ra, thường là loại Candida albicans. Loài nấm này xuất hiện ở khắp nơi, thậm chí cả bên trong cơ thể con người.
Điều kiện thuân lợi cho tình trạng nhiễm nấm Candida phát triển tốt nhất đó là những nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao như bộ phận sinh dục, lưỡi, một số khu vực trên da. Vì lý do đó mà bệnh này thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Thông thường, nấm Candida có thể phát triển dễ dàng và tấn công vào cơ thể những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, người nhiễm HIV/AIDS, người mắc bệnh tiểu đường…
Ngoài ra, việc uống nhiều thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể vô tình làm chết những lợi khuẩn tự nhiên trong cơ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển.
2.2 Yếu tố khiến tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida
– Hệ thống miễn dịch suy giảm, yếu với các đối tượng như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.
– Sử dụng các loại thuốc kháng sinh nhiều
– Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị
– Khô miệng
– Nữ giới có nồng độ estrogen tăng cao
– Giữ vệ sinh không sạch sẽ
– Quan hệ tình dục cũng được coi là nguy cơ gây nhiễm nấm Candida
3. Đường lây truyền của bệnh nấm Candida
Bệnh nấm Candida có thể được lây truyền theo nhiều đường khác nhau bằng các vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, các dụng cụ tình dục (sextoy) dùng chung với người nhiễm bệnh.
4. Đối tượng có nguy cơ bị bệnh nấm Candida
Đây là căn bệnh rất phổ biến, đặc biệt là đối với phụ nữ. Bệnh nhiễm nấm candida cũng có thể xuất hiện ở nam giới, trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện ở những đối tượng có hệ miễn dịch yếu và suy giảm như phụ nữ đang mang thai, bệnh nhân tiểu đường, trẻ nhỏ, những người mắc HIV/AIDS.
Có thể phòng tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh nấm Candida bằng cách rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, lau khô ráo sau mỗi lần vệ sinh. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin (có trong rau củ quả tươi, nguyên chất…), khoáng chất (có trong các loại nước ép trái cây tươi, nước điện giải…) để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch.