Cảnh giác với ung thư lưỡi

Tác giả: Trương Thị Ánh Tuyết Đăng ngày: 30/12/2021 Lần cập nhập cuối: 30/12/2021

Ung thư lưỡi được biết đến như là một loại ung thư ở vùng miệng. Với biểu hiện đặc trưng là các khối u hoặc vết loét được phát triển từ những tế bào biểu mô vảy trên phía bề mặt lưỡi. Những vết loét này thường không dễ lành trên lưỡi và thường gây ra đau lưỡi. Hãy cảnh giác với ung thư lưỡi qua bài viết sau.

Cảnh giác với ung thư lưỡi
Ung thư

1. Tìm hiểu về bệnh ung thư lưỡi

Ở hai khu vực khác nhau của lưỡi có thể hình thành hai loại ung thư khác nhau. Ung thư phát triển nằm ở phần phía trước của lưỡi được gọi là ung thư lưỡi. Ở phần phía sau lưỡi (hay được gọi là gốc lưỡi) phát triển ung thư thì lại gọi là ung thư miệng hầu.

Những triệu chứng ở giai đoạn sớm của ung thư vùng miệng thường khó có thể phát hiện ra, vì vậy nhiều người bệnh không thể phát hiện được sự xuất hiện của bệnh.

Ung thư tế bào biểu mô vảy là loại ung thư lưỡi phổ biến nhất hiện nay. Các tế bào biểu mô vảy thường là những loại tế bào mỏng và dẹt. Chúng nằm ở trên bề mặt của da và lưỡi, có ở lớp niêm mạc bên trong hệ tiêu hóa và các hệ hô hấp, hay ở trong niêm mạc miệng, họng,…

Các triệu chứng đặc trưng của ung thư lưỡi thường là sự đau rát của lưỡi và việc hình thành các vết loét trên lưỡi tăng dần. Ngoài ra còn có thể có những triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau rát hàm hoặc họng.
  • Đau buốt khi nuốt.
  • Có cảm giác họng bị vướng mắc.
  • Bị cứng lưỡi hoặc hàm.
  • Khó khăn khi nhai hoặc nuốt đồ ăn .
  • Xuất hiện các mảng màu đỏ hoặc màu trắng nằm ở niêm mạc miệng hoặc ở lưỡi.
  • Những vết loét này không lành.
  • Một khu vực trong miệng bị mất cảm giác.
  • Chảy máu lưỡi đột ngột.
  • Xuất hiện khối bất thường ở trên lưỡi.

Những dấu hiệu của ung thư lưỡi cũng như các dấu hiệu của các loại ung thư vùng miệng khác, thường ở giai đoạn đầu không xuất hiện quá rõ ràng. Tuỳ theo từng trường hợp, nếu có các dấu hiệu trên cũng chưa chắc là đã mắc phải ung thư lưỡi hoặc có nhưng là một loại của ung thư vùng miệng khác.

Những người hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu bia thường có các nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Vì vậy, tốt nhất là nên thật sự cảnh giác với bất kỳ triệu chứng nào. Những đối tượng trên cũng nên thường kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở uy tín để không bỏ sót các dấu hiệu nào.

Một số triệu chứng thường thấy của ung thư miệng hầu là: Xuất hiện các mảng màu đỏ hoặc có màu đỏ và trắng  xuất hiện xen kẽ ở phía trong miệng hoặc trên lưỡi), các vết thương hay vết loét miệng thường khó lành. Cảm giác đau họng khi nuốt, đau lưỡi,…

2. Nguyên nhân, các yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư lưỡi

Các nguyên nhân gây ra bệnh này hiện vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng một số yếu tố sau đây có thể khiến cho nguy cơ mắc phải ung thư tăng lên như:

Sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá làm tăng các nguy cơ mắc bệnh
  • Thường xuyên hút thuốc lá.
  • Quá lạm dụng rượu bia.
  • Ăn ít hoa quả, rau xanh, sử dụng nhiều thịt đỏ, các loại thực phẩm chế biến sẵn.
  • Mắc các loại virus gây u nhú ở người (như HPV).
  • Trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh.
  • Từng mắc ung thư trước đây, đặc biệt là bị ung thư tế bào biểu mô vảy ở các vị trí khác.

Theo các nghiên cứu cho thấy, nam giới ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên thường là nhóm đối tượng sẽ có các nguy cơ mắc phải bệnh cao nhất. Đối với những đối tượng vừa hút thuốc lá lại vừa nghiện rượu thì nguy cơ thường cao hơn gấp 15 lần so với những đối tượng khác.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ khác bao gồm: người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản; thường nhai trầu; nguy cơ phơi nhiễm với các chất như amiăng, các loại acid sulfuric và formaldehyde; vệ sinh răng miệng kém hoặc bị các tác nhân tác động gây ảnh hưởng tới miệng;…

3. Phòng tránh ung thư lưỡi ngay bây giờ

Theo các chuyên gia, không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ mắc phải căn bệnh này phát triển. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu bất kỳ mà bạn nghi ngờ, hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện sớm, thì kết quả điều trị càng mang lại càng cao, tiên lượng bệnh càng tốt.

Hãy thay đổi một số hành vi, lối sống độc hại như:

  • Bỏ ngay thói quen hút thuốc lá.
  • Hạn chế việc nhai trầu.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, bổ sung nước điện giải, ăn nhiều rau xanh và đa dạng các loại hoa quả.
  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ: có thể dùng các loại chỉ nha khoa, đánh răng sau mỗi bửa ăn, thực hiện việc khám răng định kỳ.
  • Chủ động tiêm phòng HPV.
  • Quan hệ tình dục an toàn khi thực hiện việc quan hệ bằng miệng.

4. Một số câu hỏi về ung thư lưỡi

4.1. Ung thư lưỡi có chết không?

Ở giai đoạn đầu: việc chữa trị bệnh có khả năng thành công cao nhất. Nếu người bệnh phát hiện và được thực hiện các phác đồ điều trị bệnh kịp thời thì khả năng khỏi bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn đầu theo các thống kê y khoa hiện nay là có thể lên tới 90%. Điều cần hết sức lưu ý là không nên chủ quan khi nghĩ rằng lúc này bệnh còn nhẹ và có thể không cần tuân thủ theo các chỉ định điều trị của bác sĩ điều trị. Hậu quả có thể dẫn đến là bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, khi đó cơ hội có thể chữa khỏi bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều.

Khi bệnh ở giai đoạn 2 hay giai đoạn 3: là lúc các tế bào ung thư trở nên phát triển mạnh mẽ và nhanh hơn. Các trường hợp diễn biến xấu có thể có cả sự xâm lấn của những khối u đến các cơ quan ở xung quanh, ở các hạch bạch huyết nằm gần đó. Điều này dẫn đến bệnh nhân có cảm giác mất ăn, mất ngủ nhất là khi các triệu chứng xuất hiện rầm rộ hơn. Nhiều trường hợp bệnh nhân đau đớn ở vùng miệng lưỡi và thường không muốn ăn uống gì, đôi khi sẽ nôn hoặc ho ra máu. Ở giai đoạn này, tỷ lệ có thể chữa khỏi bệnh sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu được can thiệp y khoa kịp thời, thì cũng không phải là “dấu chấm hết” cho các bệnh nhân mắc ung thư lưỡi.

Ở giai đoạn cuối của bệnh, thường là không thể chữa khỏi được. Khi mức độ xâm lấn và sự di căn của khối u đã gần như là đến ngưỡng. Các bệnh nhân gồng mình lên từng ngày để chống chọi với bệnh tật. Họ không chỉ chịu đựng nỗi đau về thể xác mà còn phải đối mặt với những vấn đề về tâm lý, sự nản lòng khi bệnh ngày càng nặng, gánh nặng cho gia đình, mọi người xung quanh,…

4.2. Ung thư lưỡi sống được bao lâu?

Bệnh nhân mắc bệnh có thể sống được bao lâu

Ở giai đoạn đầu: theo các số liệu thống kê y khoa hiện nay, các bệnh nhân mắc bệnh sẽ có tỷ lệ sống thêm sau 05 năm được chẩn đoán hoàn toàn có thể lên đến 81,3%. Vì vậy, đừng nên chủ quan mà hãy chủ động hơn trong quá trình điều trị bệnh, thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để có thể đạt được những kết quả tốt nhất.

Ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3: lúc này tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn 2 là khoảng 67.8% và ở giai đoạn 3 chỉ còn 58%. Ở giai đoạn này, bạn vẫn còn cơ hội chữa khỏi bệnh, đừng nên nản lòng mà hãy tích cực phối hợp điều trị, giữ cho tinh thần vui vẻ, lạc quan để bệnh có thể có diễn biến tốt hơn.

Ở giai đoạn cuối: tỷ lệ sống chỉ còn 31.9% đối với những bệnh nhân có thể sống thêm 5 năm sau chuẩn đoán. Lúc này, việc quan trọng là làm giảm nhẹ các triệu chứng và tích cực nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân. Bởi việc điều trị bệnh nhân ở giai đoạn này là hết sức khó khăn.

Khoa học ngày càng tiến bộ, sự phát triển của nền y học hiện đại như mở ra cơ hội cho những người mắc ung thư lưỡi. Khi không may mắc phải căn bệnh này, hãy đến các cơ sở y tế uy tín, thực hiện theo các phác đồ điều trị của bác sĩ. Thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh, giữ cho tinh thần lạc quan. Chủ động trong chăm sóc sức khỏe của bản thân, tránh xa các tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn để phòng tránh căn bệnh này. Bạn có thể sử dụng các loại máy lọc không khí, máy lọc nước trên thị trường để cải thiện chất lượng môi trường sống.

Bài viết mới