Tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét – Bệnh này có gây nguy hiểm không?
Bệnh sốt rét là một trong những căn bệnh truyền nhiễm được cho là phổ biến nhất và cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Bệnh có thể gây ra những biến chứng thậm chí là tử vong do sự tiến triển vô cùng nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Hãy xem bài viết sau để hiểu rõ hơn về bệnh sốt rét cũng như cách phòng tránh.
1. Nguyên nhân của bệnh sốt rét
1.1 Thế nào là bệnh sốt rét?
Bệnh sốt rét là một căn bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác thông qua con vật trung gian là muỗi chứa ký sinh trùng (Plasmodium).
Bệnh này phổ biến ở những quốc gia, khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như chây Mỹ, châu Phi, châu Á. Trung bình có khoảng hơn 500 triệu người dân mắc bệnh mỗi năm, khoảng 1-3 triệu người tử vong , phần lớn là đối tượng trẻ em ở các khu vực châu Phi và phía Nam sa mạc Sahara.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị nhiễm bệnh và khả năng tái nhiễm lại cao nếu hệ miễn dịch kém và không đầy đủ. Một người có thể bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng sốt rét cùng lúc do không có sự miễn dịch chéo.
Nếu được điều trị sớm và đúng cách, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn, nhanh chóng. Ngược lại, bệnh sốt rét cũng có thể tiến triển rất nhanh chóng và có thể gây ra tử vong chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ hay vài ngày nếu đã ở tình trạng nặng và chữa trị muộn. Những trường hợp mắc bệnh nặng này phải cần có chế độ chăm sóc cũng như điều trị đặc biệt thì mới có thể làm giảm tỉ lệ tử vong của người bệnh.
Đối với những trẻ nhỏ mắc bệnh có thể gây ra tình trạng mất máu, não bị tổn thương trực tiếp vì sốt rét thể não. Những trường hợp này có thể sống sót nhưng có nguy cơ suy giảm nhận thức và thần kinh, động kinh, rối loạn hành vi,…
1.2 Nguyên nhân của sự hình thành bệnh
Tác nhân chính gây nên bệnh là do ký sinh trùng sốt rét, bệnh ở người gây ra bởi loại ký sinh trùng mang tên Plasmodium, bao gồm các loài: Plasmodium falciparum, Plasmodium ovale, Plasmodium malariae, Plasmodium vivax, Plasmodium knowlesi.
Những ký sinh trùng này không tồn tại riêng biệt ở môi trường eben ngoài mà chỉ tồn tại ở trong máu người và muỗi trung gian truyền bệnh. Loài muỗi có khả năng truyền nhiễm những loại ký sinh trùng này là muỗi Anopheles.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 422 loài muỗi Anopheles nhưng chỉ có khoảng 70 loài trong số đó là truyền bệnh sốt rét và có 40 loài là muỗi truyền bệnh chính. Trong đó thì có 15 loài truyền bệnh ở nước ta, chủ yếu là loài Anopheles minimus, Anopheles dirus, Anopheles epiroticus.
Loài muỗi minimus phân bổ chủ yếu ở những vùng rừng núi độ cao dưới 1000 mét và phát triển mạnh mẽ vào đầu và cuối mùa mưa, loài dirus chủ yếu ở vùng rừng núi từ vĩ độ 20 Bắc vào Nam, phát triển chủ yếu vào giữa mùa mưa, còn loài epiroticus phần lớn phân bổ ở các vùng ven biển nước lợ của Nam Bộ.
Bệnh sốt rét phát triển quanh năm và phát triển cao nhất ở những tỉnh rừng núi phía Bắc ở đầu và cuối mùa mưa. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, miền Trung, sốt rét phát triển nhiều trong suốt cả mùa mưa.
Khi muỗi cái Anopheles chích vào máu con người, ký sinh trùng được truyền nhiễm vào cơ thể, chúng tìm đường để vào tế bào gan của người nhiễm và sinh sôi, phát triển. Khi này, tế bào gan bị phá vỡ đột ngột, các ký sinh trùng từ đó thoát ra và xâm lấn, sinh sối ở các tế bào hồng cầu. Từ đó lại tiếp tục phá vỡ và phát triển ở các tế bào hồng cầu khác. Do vậy, mỗi khi ký sinh trùng làm vỡ hồng cầu, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện và triệu chứng sốt khác biệt.
Kể từ thời điểm bị muỗi Anopheles đốt đến khi có các biểu hiện lâm sàng đầu tiên được coi là thời gian ủ bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 9 – 12 ngày phụ thuộc vào loài ký sinh trùng xâm nhập.
1.3 Người bệnh sẽ có những biểu hiện, triệu chứng gì?
Khi mới bắt đầu mắc bệnh, người bệnh sẽ có những dấu hiệu ban đầu là sốt, người ớn lạnh, đổ mồ hôi, cơ thể nhức mỏi, hay có cảm giác buồn nôn, nôn mửa; các triệu chứng thường tái phát sau mỗi 48 đến 72 giờ phụ thuộc vào cơ thể của người bệnh cũng như mức độ nhiễm virus sốt rét.
Bệnh sốt rét thường được chia làm 2 thể lâm sàng:
– Sốt rét thông thường: đây là triệu chứng thường gặp mới đầu khi mắc bệnh và không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng của người bệnh. Biểu hiện sốt có thể xuất hiện tùy vào thể trạng của mỗi người:
+ Điển hình với ba gia đoạn của sốt đó là rét run, sốt rồi đến đổ mồ hôi.
+ Không điển hình là triệu chứng sốt không thành cơn, ớn lạnh, cảm thấy rét và nổi da gà (với những người bệnh ở vùng dịch), hoặc có thể là sốt liên tục và dao động (đối với bệnh nhân là trẻ nhỏ, người mắc bệnh lần đầu). Cùng với đó có thể kèm theo các biểu hiện như gan, lá lách phình to; cơ thể thiếu máu; người suy nhược, xanh xao…
– Sốt rét ác tính: là trường hợp người bệnh đã bị sốt rét trở nặng, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, có thể tử vong ngay sau 12 tiếng sau khi có các triệu chứng của bệnh như:
+ Sốt cao liên tục, dai dẳng
+ Có tình trạng rối loạn ý thức ở mức độ nhẹ như ngủ li bì, nói lẩm bẩm, ngủ mơ…
+ Hệ tiêu hóa bị rối loạn: người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn, đau bụng cấp hay tiêu chảy…
+ Những cơn đau đầu dữ dội dần xuất hiện với tần suất nhiều hơn
+ Da người bệnh xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, ánh mắt lờ đờ do cơ thể bị thiếu nhiều máu.
2. Sốt rét lây qua đường nào?
Bệnh sốt rét được lây truyền qua đường máu và có các phương thức chủ yếu sau đây:
– Do loài muỗi Anophen truyền (phương thức chủ yếu lây truyền bệnh)
– Do truyền máu bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium
– Do dùng chung bơm kim tiêm: tiêm chích dùng bơm tiêm có dính máu ký sinh trùng của bệnh, tiêm chích ma túy…
– Do từ mẹ truyền sang con khi đang mang thai, truyền qua nhau thai bị thổn thương (trường hợp này hiếm gặp).
3. Sốt rét có nguy hiểm không?
3.1 Tác hại của bệnh
Bệnh sốt rét có thể gây ra những tác hại nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng nếu bệnh trở nặng. Bệnh có thể gây ra những hậu quả như:
– Gây ra tình trạng thiếu máu: Do các tế bào hồng cầu trong máu bị ký sinh trùng xâm lấn làm vỡ hàng loạt hồng cầu, dẫn tới thiếu máu, da xanh xao, môi thâm tái, người mệt mỏi, gầy yếu…
– Gan và lá lách bị phình to
– Đối với trẻ em bị mắc bệnh thì cơ thể trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển cả thể chất lẫn trí não, kém thông minh
– Ở phụ nữ có thai mắc bệnh sẽ dễ khiến sảy thai, đẻ non hoặc trẻ sinh ra có thể mắc những tai biến.
3.2 Phương pháp điều trị bệnh
Chẩn đoán và điều trị bệnh sớm là cách tốt nhất có thể chữa trị hiệu quả cũng như giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh để giảm bớt nguồn gây bệnh và cắt đứt đường lây truyền ký sinh trùng. Bệnh sốt rét nên được điều trị càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay sau khi phát hiện các triệu chứng: ở trẻ em thì trong vòng 12 tiếng và 24 tiếng đối với người trưởng thành.
Cần điều trị cắt cơn cùng với điều trị chống lây lan dịch bệnh; điều trị chống để bệnh tái phát và cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.
3.3 Biện pháp phòng ngừa
Cho đến hiện nay, chưa có loại vắc xin nào phòng ngừa được bệnh sốt rét. Do vậy, phương pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh đó là ngăn ngừa loài muỗi truyền bệnh.
– Cần ngăn chặn sự tiếp xúc giữa người và các loại muỗi, đặc biệt là muỗi Anophen
– Diệt muỗi bằng các biện pháp như phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất để diệt muỗi
– Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, đốt hương muỗi
– Khi đi ngủ cần mắc màn cẩn thận, có thể bôi thuốc xua muỗi, tránh để muỗi đốt
– Dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh, phát quang các bụi rậm, khơi thông các cống rãnh quanh khu mình ở, loại bỏ các vật chứa nước tù đọng, không sử dụng đến…
Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch, đẩy lùi các bệnh tật. Nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày, ăn nhiều rau củ, trái cây tươi để bổ sung vitamin, chất xơ; uống nước điện giải, nước ép trái cây để bù nước, bù khoáng… Thường xuyên vận động thể dục thể thao để cơ thể được rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.