Bệnh viêm xoang sàng sau có nguy hiểm đến sức khỏe không? Nguyên nhân?
Viêm xoang sàng là một trong những căn bệnh lý về đường hô hấp thường gặp ở bất kể đối tượng nào. Căn bệnh này được chia thành hai loại đó là viêm xoàng sàng trước và viêm xoang sàng sau. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho quý độc giả về bệnh viêm xoàng sàng sau.
1. Viêm xoang sàng sau là gì?
Con người chúng ta đều có nơi gọi là xoang sàng, được xác định giữa hai mắt, bên dưới trán và bao gồm 4 khoang rỗng được lưu thông với nhau. Đối với người bình thường, các xoang sau của khoang mặt nằm ở vị trí sau hốc mũi (bao gồm các xoang sàng sau, xoang bướm).
Đối với tình trạng viêm xoang sàng sau là tình trạng các niêm mạc ở xoang này bị viêm nhiễm, ứ đọng các dịch nhầy, mủ ở bên trong gây nên hiện tượng bí tắc. Người bị bệnh viêm xoang sàng sau thường bị đau ở các vị trí vùng gáy, từ đầu xuống dưới vai và gây ảnh hưởng lên cho 2 mắt của người bệnh. Điều này có thể khiến mắt người bệnh có hiện tượng viêm, sưng mắt, bị đỏ mắt hay chảy ghèn mắt. Nếu tình trạng bệnh càng nặng có thể khiến mờ mắt thậm chí nguy hiểm hơn là mù lòa.
2. Nguyên nhân triệu chứng viêm xoang sàng sau
Bệnh viêm xoang sàng sau được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân được chia thành các nhóm nguyên nhân chính sau đây:
2.1 Viêm xoang sàng sau bởi viêm nhiễm
– Do nhiễm vi khuẩn
Nhiễm khuẩn ở các vị trí mũi và họng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, ví dụ như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi và viêm VA ở trẻ nhỏ.
Hay các bệnh lý nhiễm khuẩn khác xảy ra ở răng lợi như viêm lợi, viêm tủy, sâu răng… cũng là những yếu tố gây nên bệnh này.
– Do nhiễm virus
Đây là nguyên nhân cũng khá thường gặp, gây ra bởi những loại virus lây bằng đường hô hấp như virus cúm, virus bán cúm, virus rhino… hay những loại virus thường trú sẵn trong đường hô hấp của người bệnh khi cơ thể đang bị suy giảm miễn dịch và gây ra bệnh viêm xoang sàng.
2.2 Viêm xoang sàng sau bởi dị ứng
Có thể là do thứ phát hoặc nguyên phát hay cơ địa dị ứng xoang mũi dễ dẫn đến tình trạng bệnh viêm xoang sàng sau mãn tính.
2.3 Viêm xoang sàng sau bởi chấn thương
Những chấn thương cơ học và những áp lực khiến vỡ xoang hay tụ máu trong xoang, có thể kèm xuất huyết và phù nề niêm mạc đều có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh này.
2.4 Viêm xoang sàng sau bởi cơ địa
Những đối tượng có cơ địa cơ thể bị suy nhược, người suy dinh dưỡng, có các bệnh rối loạn về nội tiết như bị đái tháo đường, rối loạn nước điện giải thường khiến khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm và nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
2.5 Do các nguyên nhân giải phẫu cơ học không bình thường
Các hiện tượng dị tật bẩm sinh xảy ra ở các vách ngăn, khe giữa của các khoang; những khối u lành tính trong hốc mũi, xoang… đều làm cản trở sự dẫn lưu thông khí của các xoang này, cuối cùng gây nên bệnh.
3. Viêm xoang sàng sau có nguy hiểm không?
Bệnh khá nguy hiểm và gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh bởi các triệu chứng dưới đây:
– Đau, nhức đầu
Những bệnh nhân viêm xoang sàng sau thường có biểu hiện đau nhức ở 2 bên thái dương, vùng sau gáy và đỉnh đầu thường có cảm giác đau âm ỉ. Nguyên nhân là do các lỗ xoang sau lưu thông với mũi, khi các dịch nhầy bị tắc nghẽn sẽ gây nên hiện tượng đau nhức, khó chịu. Vì các dịch này không chảy ra được bằng đường mũi mà lại chảy xuống họng nên người bệnh thường xuyên thấy vướng víu, khạc nhổ và khó chịu ở cổ họng.
– Tình trạng hôi miệng
Do các dịch nhầy và mủ thường xuyên tồn tại trong họng nên sẽ gây ra mùi hôi, khiến cho hơi thở của người bệnh có mùi. Điều này gây ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người bị bệnh. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể do nguyên nhân khác như vệ sinh răng lợi kém, ăn thức ăn có mùi hoặc do uống ít nước… Do đó, dấu hiệu hôi miệng không được dùng để chẩn đoán bệnh.
– Ho và viêm họng mạn tính
Người bị bệnh sẽ thường xuyên bị ho và ngứa rát, khó chịu ở cổ họng, đờm nhiều ở cổ nên thường khạc nhổ; cổ họng bị viêm, đỏ thậm chí nặng hơn là viêm thanh quản. Bệnh nhân thường xuyên bị ho nhiều, kéo dài đặc biệt là vào ban đêm, khó thở xảy ra nhiều đối với trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra biểu hiện này là do khi bị bệnh, dịch mủ không chảy ra bằng mũi mà lại chạy thẳng xuống họng và động lại ở đó gây nhiễm khuẩn.
– Mặt bị mờ, nhòe
Mắt người bệnh có thể bị nhòe, mờ từng thởi điểm khác nhau, tuy nhiên cũng có người bị thường xuyên khiến thị lực bị giảm. Với những người bị bệnh nặng khiến mất sức nhìn và tình trạng này có thể cải thiện nếu người bệnh được phẫu thuật.
– Các triệu chứng khác điển hình như nóng sốt, cảm giác khó chịu vùng mũi, cổ họng thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh những triệu chứng gây khó chịu và ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh, bệnh còn có thể gây ra những biến chứng như mờ mắt, mất khướu giác, biến chứng viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não…
4. Phòng ngừa viêm xoang sàng sau
– Cần đeo khẩu trang, che kín mũi miệng khi ra đường, làm việc trong môi trường bụi bặm, nhiều hóa chất.
– Giữ gìn vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa những khó bụi, thuốc lá, chất thải…
– Tránh hít những luồng không khí khô, lạnh; không nên dọi thẳng luồng gió của điều hòa, quạt vào mặt, mũi khi ngủ hoặc khi làm việc.
– Cần chú ý giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt là vùng cổ và mũi.
– Vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng dung dịch nước muối
– Tránh bị stress bởi khi làm việc quá sức, suy nghi lo lắng nhiều sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm và dễ bị nhiễm trùng, và xoang mũi là vùng dễ bị nhiễm nhất.
– Khi có các triệu chứng của bệnh cần đến ngay các bệnh viện để thăm khám và điều trị, tránh để lâu và gây ra những biến chứng nguy hiểm.