Các biện pháp phòng tránh viêm dạ dày cấp
Bệnh viêm dạ dày là căn bệnh thường gặp và khá phổ biến ngày nay, đặc biệt là bệnh viêm dạ dày cấp tính, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Việc xem xét và điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý là rất quan trọng và cần thiết cho việc điều trị bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn đọc về căn bệnh này.
1. Viêm dạ dày cấp là gì?
Viêm dạ dày cấp là hiện tượng xuất hiện tình trạng viêm hoặc bị sưng đột ngột trong khu vực niêm mạc dạ dày. Căn bệnh này có đặc điểm là khởi phát bệnh và quá trình tiến triển bệnh diễn ra nhanh chóng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các tác nhân độc hại hoặc bị nhiễm khuẩn ở vùng niêm mạc dạ dày. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện lâm sàng sau đây:
– Vùng thượng vị thường xuyên đau dữ dội, đôi khi đau âm ỉ, nóng rát, bụng thường cồn cào, khó tiêu, cảm giác buồn nôn, nôn nhiều.
– Nhất là khi ăn xong người bệnh hay có cảm giác buồn nôn, khi nôn ra kèm với dịch vị màu vàng, chua, thậm chí nôn ra máu. Thêm vào đó, dấu hiệu lâm sàng của bệnh viêm dạ dày cấp là xuất hiện nhanh và mất đi cũng nhanh.
Thực tế thì căn bệnh này cũng không nguy hiểm và có khả năng chuyển biến tích cực nhanh chóng nếu được điều trị bệnh kịp thời. Tuy nhiên, nếu bệnh để lâu dài có thể tiến triền thành mãn tính và để lại những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ gây nên bệnh này, nhưng dựa vào những yếu tố phát sinh mà người ta chia ra nguyên nhân dẫn đến bệnh dạ dày cấp, có thể nêu ra một số nguyên nhân gây nên căn bệnh này như sau:
Nguyên nhân từ bên ngoài:
– Do nhiễm vi khuẩn, virut: Ngày nay khoa học công nghệ cũng như y học đã phát triển, các chuyên gia đã tìm thấy nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh này là do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại trong môi trường axit nồng độ cao như trong dạ dày. Bằng đường miệng, chúng xâm nhập rồi cư trú sâu trong lớp niêm mạc, bên cạnh đó tiết ra các chất độc gây viêm nhiễm và bào mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc và có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
– Do tiêu thụ lượng đồ ăn, thức uống có chất kích thích ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày như đồ ăn cay, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn sẵn, đóng hộp; thức ăn cứng khiến dạ dày làm việc quá sức; lạm dụng nhiều thức uống có cồn như rượu, bia…
– Do người bệnh hay sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh có hại cho dạ dày như thuốc chống viêm NSAIDs, thuốc aspirin, thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ sốt…
– Các chất ăn mòn có thể kể đến như muối kim loại nặng, axit sunphuric…
Nguyên nhân từ bên trong:
– Do các bệnh nhiễm khuẩn cấp như sởi, cúm, bạch cầu, viêm ruột thừa, thương hàn,…
– Lượng ure hay đường trong máu tăng cao
– Các yếu tố làm tăng dịch axit trong dạ dày như stress, tâm trạng hay cáu gắt, căng thẳng; chấn thương, sốc sau các cuộc phẫu thuật, điều trị bệnh ung thư. Những yếu tố trên có khả năng làm lượng axit trong dạ dày tăng lên, làm giảm lượng máu lưu thông vào dạ dày, do đó axit vẫn tồn đọng trong lòng dạ dày và dẫn đến tổn thương và loét niêm mạc dạ dày.
1.1 Viêm dạ dày cấp ở trẻ em
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, là những đối tượng dễ bị nhiễm căn bệnh này do hệ miễn dịch của các bé yếu hơn của người lớn. Khi trẻ mắc viêm dạ dày cấp tính sẽ khiến trẻ có tình trạng mất nước và có nguy cơ tử vong cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày cấp tính ở trẻ em là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virut, nấm, kí sinh trùng.
– Viêm dạ dày do virut: phổ biến nhất là rotavirus, các loại khác như norovirus, astrovirus… Khi bị nhiễm loại virus này thường hình thành nên ổ dịch đặc biệt ở những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, khu dân cư… do loại virus này lây lan qua tiếp xúc trực tiếp một cách dễ dàng.
– Do một số loại vi khuẩn như Salmonella, Escherichia coli, Shigella, Campylobacter… Những loại vi khuẩn này lây lan qua đường ăn và uống. Thực phẩm bị nhiễm khuẩn trong vài giờ ở nhiệt độ phòng sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Khi ăn phải các loại thức ăn chứa vi khuẩn này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dạ dày, ruột…
– Do kí sinh trùng: Entamoeba, Cryptosporidium, Giardia lamblia…
Ở trẻ em khi mắc bệnh sẽ có những triệu chứng chủ yếu như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt, trẻ chán ăn, nặng hơn có thể là đau khớp kèm co giật…
1.2 Viêm dạ dày cấp ở người già
Người cao tuổi cũng là những đối tượng dễ mắc viêm dạ dày cấp bởi thói quen ăn uống, sinh hoạt không thống nhất bởi việc ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, những đồ ăn khó tiêu, khi ăn nhai không kĩ, hay phải uống thuốc kháng sinh, kháng viêm…
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm dạ dày cấp
Những yếu tố làm nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày cấp tăng lên đó là do lối sống sinh hoạt, thói quen ăn uống của người bệnh.
* Thói quen sinh hoạt
Thường xuyên phải chịu áp lực, stress; căng thẳng bởi các phương pháp phẫu thuật là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh viêm dạ dày. Bởi những tâm trạng trên ảnh hưởng trực tiếp đến sự bài tiết dịch axit ở dạ dày khiến cho lượng axit dạ dày thừa dẫn đến tình trạng bào mòn, gây ra những ổ viêm, vết loét trong dạ dày.
* Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng tác động đến sự hoạt động của dạ dày. Nguyên nhân gây nên bệnh đó là chế độ ăn uống không điều độ, lành mạnh như:
– Thường xuyên bỏ bữa ăn, ăn không đúng giờ, trong bữa ăn thì ăn nhanh, nhai không kĩ; ăn quá no hoặc để bụng quá đói khiến hoạt động dạ dày không đều đặn.
– Sử dụng qua mức các loại rượu, bia, thuốc lá.
– Lạm dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm
3. Các biện pháp phòng tránh viêm dạ dày cấp
Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do lối sống sinh hoạt cũng như thói quen ăn uống chưa điều độ, lành mạnh. Vì thế, để phòng tránh bệnh một cách tốt nhất, có thể tham khảo các biện pháp sau đây:
– Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày: cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh và điều độ, loại bỏ ngay những đồ ăn không tốt cho sức khỏe
+ Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể hàng ngày như bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các loại hạt nguyên cám, bổ sung nhiều khoáng chất bằng cách uống nhiều nước, nước điện giải…
+ Không nên ăn quá no vào một bữa và không nên để quá đói, nên chia nhỏ các bữa ăn. Cần ăn chậm, nhai kĩ để dạ dày không phải hoạt động quá sức.
+ Không nên vừa ăn vừa uống nước, nên uống nước và ăn trái cây trước bữa ăn khoảng 30 phút để cơ thể hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn.
+ Đảm bảo vệ sinh khi ăn uống, trước khi ăn rửa tay, nên ăn đồ chín uống sôi để hạn chế các vi khuẩn xâm nhập.
+ Không nên ăn trước khi ngủ, thay vào đó uống một cốc sữa ấm giúp xoa dịu, bảo vệ dạ dày.
– Điều chỉnh chế độ sinh hoạt thường ngày:
+ Tuyệt đối không nên thức khuya quá nhiều, nên dành thời gian để ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, nên có khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn khoảng 30 phút.
+ Sau mỗi bữa ăn nên nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, không nên nằm ngay hoặc hoạt động mạnh. Vì khi này bộ não đang tập trung để điều khiển năng lượng cơ thể thực hiện quá trình tiêu hóa. Nếu bạn đi nằm ngay hoặc hoạt động mạnh thì cơ thể phải dành năng lượng cho cả các hoạt động đó, khiến dạ dày làm việc quá tải, không hiệu quả và lâu dần sẽ gây ra bệnh đau dạ dày.
+ Hạn chế việc ngồi một chỗ quá lâu gây chèn ép cơ thể lên hệ tiêu hóa, dạ dày sẽ co bóp chậm.
– Hạn chế các thực phẩm không lành mạnh, có hại cho dạ dày như đồ cay nóng (ớt, tỏi, tiêu, mù tạt…), chua (giấm, chanh, dưa muối…); những chất kích thích như cà phê, đồ uống có gas, đồ uống có cồn; thực phẩm chứa nhiều muối (như đồ ăn sẵn, đồ đóng hộp…)
– Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần duy trì cân nặng hợp lý, trành tình trạng béo phì thừa cân; tránh stress hay những cảm xúc tiêu cực; hạn chế các loại thuốc giảm đau; rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao giúp tăng cường đề kháng cũng như thúc đẩy quá trình hoạt động của các chức năng trên cơ thể.