Hở van tim 3 lá là gì? Có nguy hiểm không?
Hở van tim (hay còn gọi là suy van) là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính. Bệnh hở van tim có bốn loại, một trong những loại đó là hở van tim 3 lá với 4 mức độ từ nhẹ đến nặng. Vậy hở van tim 3 lá là gì? Có nguy hiểm không?
1. Hở van tim 3 lá là gì?
Hở van 3 lá là một trong những loại bệnh hở van tim, là tình trạng suy giảm chức năng ba lá gây ra dòng máu trào ngược từ thất phải về nhĩ phải trong chu kỳ tâm thu. Trong thời gian dài, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị trào ngược trở lại đó và dần trở lên suy yếu. Những người bị hở van 3 lá có nguy cơ cao bị suy tim, rối loạn nhịp tim (rung tâm nhĩ), xơ gian, tăng áp động mạch phổi… gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh.
2. Hở van tim 3 lá có nguy hiểm không?
Hở van 3 lá nguy hiểm hay không tùy vào mức độ của bệnh, được chia thành 4 mức độ:
- Hở van 3 lá 1/4 (hở van 3 lá sinh lý): Đây là mức độ nhẹ nhất, có thể gặp ở nhiều người có sức khỏe bình thường.
- Hở van 2 lá 2/4: Đây là mức độ hở van trung bình và cần tiến hành chữa trị khi thấy có các triệu chứng của bệnh.
- Hở van 3 lá 3/4 và hở van 3 lá 4/4: Đây là hai mức độ hở van nặng và rất nặng, có nguy cơ tiến triển thành biến chứng các bệnh tim rất cao như suy tim.
3. Hở van tim 3 lá nhẹ
Hở van 3 lá 1/4 (hở van 3 lá sinh lý) là mức độ nhẹ nhất và có khoảng 70% người bình thường mắc bệnh này. Nếu không có bất kì triệu chứng hay dấu hiệu gì thì bệnh không nguy hiểm, không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.
Mặc dù hầu hết người bị hở van 3 lá 1/4 không có triệu chứng, nhưng khi xuất hiện các triệu chứng như khó thở khi làm việc nặng, mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, ho khan dai dẳng nhất là ban đêm… Khi thấy những dấu hiệu trên xuất hiện nhiều lần, cần đến khám tại chuyên khoa tim mạch vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh nặng lên.
Đối với những bệnh nhân bệnh này có triệu chứng, hở van 3 lá 1/4 có kèm theo các bệnh lý khác như hở van tim 2 lá, tăng áp lực động mạch phổi… cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, điều trị nguyên nhân và các bệnh kèm theo.
Hở van 3 lá 1/4 có thể là hậu quả của các bệnh lý nguy hiểm như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim… Vì vậy, khi phát hiện hở van 3 lá 1/4 cần phải đánh giá các bệnh lý khác nguy hiểm đến tính mạng.
4. Hở van tim 3 lá ở thai nhi
Hở van 3 lá ở thai nhi hay còn gọi là bệnh tim bẩm sinh Ebstein là bất thường về cấu trúc của tim mà trong đó các lá van của van ba lá không được khép kín với nhau.
Tim thai thi được hình thành từ giai đoạn rất sớm của quá trình phát triển thai nhi. Cho đến nay, các bác sĩ chưa hoàn toàn hiểu được tại sao một số em bé lại phát triển không bình thường. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ dị tật tim ở thai nhi như người mẹ bị tiểu đường hoặc sử dụng một số loại thuốc trong thai kỳ; cũng có thể do người bố hoặc mẹ mắc hội chứng bất thường về hoạt động của tim.
Khi trẻ sinh ra có thể có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Thông thường, trẻ có da lạnh và tím tại, khó thở, tim đập nhanh, đặc biệt là khi khóc do trong máu không đủ lượng oxy cần thiết. Trẻ cũng thường mệt mỏi, bú kém dẫn đến không tăng cân, chậm phát triển.
Tùy theo từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cũng như thời điểm sinh bé. Các sản phụ nên chọn nơi sinh là các bệnh viện hoặc trung tâm y tế với đầy đủ các điều kiện thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc trẻ bị bệnh tim.
5. Hở van tim 3 lá ở người già
Hở van tim là căn bệnh có thể gặp ở bất kì độ tuổi, giới tính nào và người lớn tuổi cũng không phải ngoại lệ. Cũng như những bệnh nhân hở van 3 lá khác, những dấu hiệu, triệu chứng của người già xuất hiện cũng tùy mức độ hở van. Tuy nhiên, hệ tuần hoàn cũng như các cơ quan khác trong cơ thể người cao tuổi đều suy giảm về chức năng; các bệnh lý về tim mạch, huyết áp không chỉ do tuổi tác, tự phát bệnh mà còn có thể do chế độ sinh hoạt và nhiều thói quen không hợp lý khiến cho việc điều trị bệnh tim ở người già càng trở nên phức tạp.
6. Cách điều trị hở van tim 3 lá
Dựa vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây hở van 3 lá, các bác sĩ sẽ có những chỉ định và phương pháp khác nhau để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Nếu hở van 3 lá ở mức độ nhẹ (hở van tim sinh lý) hay những trường hợp hở van ở mức độ trung bình, thông thường thì người bệnh chưa cần điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Đối với tình trạng bệnh nhẹ này, người bệnh nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, nước điện giải; tránh những chất kích thích, đồ ăn nhiều đường dầu mỡ…
Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực… hay kèm những bệnh lý tim mạch khác thì cần áp dụng các giải pháp theo chỉ định của bác sĩ như:
-
Thuốc điều trị:
Đơn thuốc có thể gồm các loại thuốc hỗ trợ như thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu kết hợp một số thuốc cho các triệu chứng của bệnh suy tim. Dù thuốc không thể giúp van tim đóng lại hoàn toàn nhưng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh như ho, mệt mỏi, khó thở, đau ngực… và ngăn ngừa nguy cơ suy tim do hở van tim 3 lá.
-
Phẫu thuật tim:
Khi gặp tình trạng hở nặng không đáp ứng với thuốc điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật hoặc thay thế van tim, phụ thuộc vào mức độ hở van mà người bệnh có thể được chỉ định sửa chữa hoặc thay van tim.